Hệ thống thi trắc nghiệm trực tuyến AZtest

http://tuvanthitracnghiem.com


Môn giáo dục công dân: Khó, khô và... khổ

Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đang có những động thái đánh giá một cách toàn diện về những bất cập trong việc dạy học môn Giáo dục công dân (GDCD). Nhằm mục tiêu định hướng, hình thành ý thức, tư cách đạo đức của học sinh trong thời đại mới, chương trình sách giáo khoa về môn học này đang khiến cả giáo viên lẫn học sinh gặp khó khăn trong việc cảm thụ và ứng dụng. Giáo viên gọi môn học này là môn “3K”: khó, khô và khổ (!).
Môn giáo dục công dân: Khó, khô và... khổ

Đề kiểm tra học kỳ II môn GDCD lớp 10 ở một trường THPT có các câu hỏi trắc nghiệm như thế này: câu 3: Lương tâm tồn tại ở mấy trạng thái?; câu 7: Yêu đương quá sớm là điều nên tránh thứ mấy trong tình yêu?; câu 12: Nuôi dưỡng và giáo dục con cái là chức năng thứ mấy của gia đình?; câu 4: Biết kiềm chế những ham muốn, nhu cầu không chính đáng là người có? (chọn một trong bốn đáp án: a - danh dự, b - lương tâm, c - lòng tự ái, d - lòng tự trọng).

Ở đề kiểm tra học kỳ lớp 7, phần tự luận (7 điểm), HS được yêu cầu: Trả lời tín ngưỡng là gì, tôn giáo là gì, tín ngưỡng và tôn giáo khác mê tín dị đoan như thế nào? Lập sơ đồ phân cấp bộ máy Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Ở đề kiểm tra dành cho khối lớp 9, HS phải giải quyết một tình huống hôn nhân gia đình: Hùng 27 tuổi, Mai 25 tuổi, họ yêu nhau đã được ba năm, muốn kết hôn nhưng gia đình Mai cấm đoán, do Hùng theo tôn giáo khác. Gia đình Mai khuyên Hùng nên tìm người cùng tôn giáo để kết hôn vì lấy Mai sẽ không có hạnh phúc.

Học sinh gồng mình học

Những khái niệm về lương tâm, tình yêu, chức năng gia đình... đều được đánh số thứ tự, HS nhớ các khái niệm xã hội như nhớ các công thức toán học. Một HS lớp 7 cho biết chỉ cố gắng nhớ sơ đồ phân cấp bộ máy nhà nước để làm bài thi chứ... không hiểu gì. Ở đề thi lớp 9, các em phải giải quyết một tình huống còn quá xa lạ với lứa tuổi của mình.

Đó là một phần thực trạng dạy và học môn GDCD ở bậc phổ thông hiện nay. Chương trình khá dài và nặng nề, nhiều nội dung chưa được sắp xếp phù hợp với độ tuổi của HS, thời lượng giảng dạy không đủ để chuyển tải khối lượng kiến thức, giáo cụ ít được hỗ trợ... là những phàn nàn của phần đông giáo viên giảng dạy môn GDCD. Tầm quan trọng của một môn học có tác động sâu sắc tới đạo đức HS hiện đang bị coi nhẹ, bởi với HS thì “môn không thi là môn phụ”, còn giáo viên thì mang tâm trạng... “dạy cho xong” do chương trình quá nặng.

Nói về những giờ dạy GDCD tại trường, em Nguyễn Hằng Nga, HS Trường THCS Phan Chu Trinh, Hà Nội, nhận xét: “Toàn những kiến thức nặng nề, nhiều bài học khó hiểu. Để làm tốt bài kiểm tra cuối kỳ, chúng em đều phải cố học thuộc lòng. Nhưng có những vấn đề chúng em không hiểu lắm và cũng không thấy cần thiết”.

Ngọc Anh, HS Trường THCS Đống Đa, Hà Nội, cho biết: “Chúng em bị áp lực nhiều ở các môn học chính. Ngoài giờ học chính khóa phải học thêm bên ngoài nên hầu hết các môn phụ đều chỉ học thuộc lòng bài giảng của cô trên lớp. Trong giờ học cũng chỉ cố ghi hết những gì cô đọc cho chép. Nói chung là nặng nề, nhàm chán. Một số bạn trong lớp thường xuyên ngủ gật trong giờ GDCD”.

Giáo viên gồng mình dạy

Hơn 20 năm gắn bó với bộ môn GDCD, cô Dương Thái Huyền Nga (giáo viên Trường dân lập Việt Thanh, TP.HCM) trăn trở: “Dạy môn GDCD tưởng là dễ nhưng để HS nghe và thích thì không đơn giản. Ở khối THPT, HS phải làm quen với các khái niệm về triết học, duy vật biện chứng, phủ định siêu hình, kinh tế vĩ mô, pháp luật... quá khô khan, dễ gây chán nản.

Người dạy phải “dụng công” để cô đọng lại những nội dung trong sách, vận động HS tham gia vào bài giảng bằng cách cho các em sắm vai, thuyết trình, diễn kịch, chơi trò chơi. Chỉ có cách đó mới giúp các em nhớ phần lý thuyết dài và khô”. Công việc “hậu cần” trước mỗi tiết học cũng ngày một công phu hơn mới mong thu hút được sự chú ý của HS. Giáo viên phải mất khá nhiều thời gian và công sức chuẩn bị giáo cụ, tìm tư liệu, hình ảnh. Dạy được hết giáo án đã khó, thời gian eo hẹp (1 tiết GDCD/tuần) khiến giáo viên hiếm có cơ hội đi sâu vào các vấn đề đạo đức, kỹ năng sống cho những HS ở tuổi mới lớn.

Để dạy bài “Lao động”, cô Đỗ Thị Lai Châu (giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP.HCM) phải tổ chức cho HS chơi trò chơi “Thiết kế trang phục bằng giấy”, “Thiết kế kiểu tóc cho bạn bè”. Tiết học trở nên sôi nổi, không phụ thuộc vào phần lý thuyết dài hai trang giấy trong sách giáo khoa nữa. Cô Châu tâm sự: “Nếu giáo viên không linh động, cải tiến phương pháp dạy thì việc HS chán học là đương nhiên. Kích thích các em hoạt động, giao tiếp... trong giờ học còn bổ sung phần kỹ năng sống cho các em. Cần phân tích cho HS biết những hiểu biết xã hội, giá trị đạo đức sẽ là kiến thức theo các em suốt cuộc đời, phục vụ các em ở bất kỳ ngành nghề nào sau này”.

Cô Châu cũng bày tỏ băn khoăn: chương trình GDCD hiện nay có những nội dung chưa phù hợp với đúng lứa tuổi HS. Thời lượng giảng dạy quá ít, nhiều bài chỉ nói trong 1-2 tiết thì không đủ. Sách giáo khoa viết quá dài và cách định nghĩa các khái niệm quá khô khan, dẫn đến chuyện HS học vẹt mà không hiểu gì. Một số bài nên sắp xếp cho giáo viên trình bày theo kiểu “giới thiệu”. Còn những bài quan trọng hơn thì nên tăng thời lượng.

Cô Lê Thanh Mai, giáo viên dạy GDCD bậc THCS ở Hà Nội, cho biết: do thiếu giáo viên chuyên trách nên ngoài những khối lớp được phân công cho giáo viên chủ nhiệm dạy kiêm thêm GDCD, những giáo viên chuyên trách môn GDCD vẫn phải đảm nhiệm số tiết quá lớn.
>>> XEM THÊM: Cách tạo đề thi trắc nghiệm môn GDCD lớp 7 học kỳ I

--------------------------------------------
AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VÀ DỊCH VỤ NGUỒN MỞ THUẬN ĐỨC phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.
Liên hệ hotline 02337774455 (Ext 3) hoặc Fanpage https://m.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.
>>> Nguồn: https://aztest.vn/news/tin-tuc-giao-duc/mon-giao-duc-cong-dan-kho-kho-va-kho-575.html
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây