Môn lịch sử và địa lý THCS trong chương trình GDPT mới

Thứ ba - 02/02/2021 23:32
Nhóm biên soạn Chương trình môn Lịch sử và Địa lý - chia sẻ những thông tin liên quan đến tích hợp trong môn học Lịch sử và Địa lý ở THCS.
Môn lịch sử và địa lý THCS trong chương trình GDPT mới
Môn lịch sử và địa lý THCS trong chương trình GDPT mới

Tích hợp đa tầng, đa chiều

Tích hợp trong môn Lịch sử thể hiện rõ mối quan hệ giữa bản chất của khoa học Lịch sử với những ưu tiên trong GD lịch sử. Đó là việc hệ thống hoá theo từng khối kiến thức, nhằm làm nổi bật tư tưởng chủ đạo của nội dung lịch sử.

Môn Lịch sử có thể đi từ riêng lẻ đến khái quát là chủ đạo, đồng thời chú ý đến trình độ nhận thức của học sinh. Các vấn đề kiến thức lịch sử liên quan với các môn học khác được thể hiện trong các phần kết nối, liên hệ.

Tích hợp trong khoa học địa lí, cũng như trong dạy học Địa lí là tích hợp đa tầng, đa chiều, không đơn giản là tích hợp “song phương” giữa Địa lí và một môn học nhất định. Điều này cũng chỉ ra tích hợp nội môn, liên môn trong dạy học Địa lí là rất lớn, có thể vận dụng từ thấp đến cao.

Trong mọi trường hợp đều có khả năng thực hiện tích hợp nội môn. Điều này làm tăng chất lượng dạy học Địa lí, tăng hứng thú cho HS khi học Địa lí.

Sự bổ sung lẫn nhau giữa tư duy lịch sử, tư duy địa lí khi học Lịch sử đòi hỏi HS biết đặt các sự kiện lịch sử trong bối cảnh địa lí, biết đánh giá tác động của các nhân tố địa lí với tiến trình lịch sử; đồng thời đòi hỏi HS khi học địa lí biết phân tích tầm cỡ ảnh hưởng của các sự kiện lịch sử đối với các quá trình địa lí, phân tích các đối tượng địa lí trong sự vận động, phát triển, biết đặt các phân tích địa lí trong bối cảnh lịch sử cụ thể.

Ở lớp 6, với chủ đề “Con người và thiên nhiên”, HS bước đầu nhận thức được mối tác động qua lại giữa thiên nhiên và đời sống con người, sự cần thiết phải bảo vệ tự nhiên và khai thác thông minh các tài nguyên.

Những kiến thức về lịch sử xã hội loài người được khai thác từ các bài Lịch sử đã được lồng ghép ở các bài Địa lí 7 (đặc điểm dân cư, xã hội, bản đồ chính trị của các châu lục), Địa lí 8 (biển đảo Việt Nam), và Địa lí 9.

Chương trình có một số chủ đề tích hợp giữa lịch sử và địa lí với thời lượng phù hợp ở các lớp. Việc xây dựng chủ đề chung dựa trên việc tìm ra những nội dung gần nhau, những chỗ giao nhau hoặc những vấn đề lớn chung.

Trong chương trình này, các chủ đề được lựa chọn là: Các cuộc đại phát kiến địa lí (lớp 7); Đô thị: Lịch sử và hiện tại (lớp 7, lớp 9); Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long (lớp 8, lớp 9); Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông (lớp 8, lớp 9).

Kì vọng khi dạy học các chủ đề tích hợp Lịch sử - Địa lí là tạo ra không gian môn học, ở đó HS có thể vận dụng các khái niệm cơ bản của Lịch sử và Địa lí, tìm hiểu thêm tư liệu lịch sử, địa lí dưới sự hướng dẫn của giáo viên (GV), rèn luyện tư duy lịch sử và tư duy địa lí; như vậy là học cách “làm” lịch sử, “làm” địa lí.

Trong dạy học các chủ đề tích hợp, PPDH sẽ được tùy biến cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Các chủ đề này được dạy rải ra ở các lớp khác nhau, nên GV sẽ thiết kế thành các chủ đề phụ để triển khai phù hợp với nội dung chính HS được học ở lớp đó. Các kết quả học tập có thể được thực hiện dưới dạng các bài tập dự án, các bài tập làm việc theo nhóm...

Lưu ý hình thành củng cố, phát triển kiến thức cơ bản

Ở THCS, phần Lịch sử, HS sẽ được học từ nguyên thuỷ cho đến nay. Do đó những sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử tiêu biểu của lịch sử thế giới, lịch sử dân tộc được sắp xếp theo lịch đại.

Sự khác biệt về mức độ trong chương trình THCS không phải chỉ ở khối lượng nội dung, ở chi tiết sự kiện lịch sử, mà điều chủ yếu là mức độ nhận thức rất cơ bản về bản chất các sự kiện lịch sử, về nguyên nhân các biến chuyển lịch sử, của sự đa dạng các mô hình xã hội, về lí luận nhận thức xã hội và ở sự chú trọng rèn luyện các kĩ năng học tập, vận dụng kiến thức vào các tình huống mới.

Trong dạy học Địa lí, quá trình hình thành khái niệm cơ bản thường đi từ biểu tượng địa lí đến khái niệm địa lí. Việc hình thành biểu tượng địa lí càng có ý nghĩa quan trọng với các HS nhỏ tuổi, ở đây là các HS lớp 6, lớp 7; đảm bảo cho HS dễ ghi nhớ các biểu tượng, khái niệm, kết nối được khái niệm với cuộc sống thực tế.

Hình thành khái niệm cơ bản là một quá trình, trong một số trường hợp phải thông qua nhiều bài, nhiều chương, thậm chí cả cấp học, một chương trình môn học.

Đây là điều GV cần lưu ý khi dạy học, để tránh quá tải ở lớp dưới và tạo liên kết dọc giữa các lớp. Nhiều khái niệm địa lí tự nhiên đại cương chỉ được hình thành bước đầu ở lớp 6, sau đó được phát triển thêm ở lớp 7, 8. Những khái niệm có tính liên môn càng đòi hỏi thời gian dài hơn để hình thành, phát triển.

Chương trình môn Lịch sử và Địa lí chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục, với định hướng chung là đề cao vai trò chủ thể học tập, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tập trung rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bồi dưỡng phương pháp học tập, năng lực tự học để HS có thể tiếp tục tìm hiểu, mở rộng vốn văn hoá cần thiết cho bản thân.

GV cần vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học mới một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng HS và điều kiện cụ thể.

Phối hợp sử dụng các PPDH truyền thống như thuyết trình, đàm thoại... theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của HS, với việc tăng cường sử dụng các PPDH tiên tiến đề cao vai trò chủ thể học tập của HS như thảo luận, tranh luận, đóng vai, dự án... Đồng thời đa dạng hoá, sử dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học, kết hợp các hình thức học cá nhân, học nhóm, học ở lớp, học ngoài thực địa, học theo dự án học tập... chú trọng PPDH có tính đặc trưng cho bộ môn.

Chương trình khuyến khích ứng dụng CNTT, truyền thông, sử dụng hợp lí, có hiệu quả các thiết bị dạy học như mô hình hiện vật, tranh lịch sử, ảnh, băng ghi âm lời nói của các nhân vật lịch sử...; bản đồ, sơ đồ, các bản thống kê, so sánh...; phim video; các phiếu học tập có các nguồn sử liệu; phần mềm dạy học... nhằm minh hoạ bài giảng của GV và hỗ trợ các hoạt động học tập của HS.

Chương trình xác định mục tiêu đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt và sự tiến bộ của HS để hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động dạy của GV, hoạt động học của HS.

Căn cứ đánh giá là yêu cầu cần đạt về các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung, các năng lực đặc thù lịch sử và địa lí được quy định trong Chương trình tổng thể, Chương trình môn học.

Trong đánh giá kết quả học tập, cần chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống cụ thể, không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử hay địa lí làm trung tâm của việc đánh giá.

Bên cạnh nội dung lí thuyết, cần coi trọng việc đánh giá các kĩ năng thực hành lịch sử và địa lí như làm việc với bản đồ, atlat, biểu đồ, sơ đồ, bảng số liệu, tranh ảnh; quan sát, thu thập, xử lí và hệ thống hoá thông tin; sử dụng các dụng cụ học tập ngoài trời; sử dụng công nghệ và thông tin truyền thông trong học tập...

Trong dạy học Lịch sử và Địa lí, cần đa dạng hoá các hình thức và phương pháp đánh giá như: Bài thi/ bài kiểm tra theo hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan; kiểm tra miệng, quan sát, thực hành, bài tập, các dự án/sản phẩm học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật...

Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kì, trên cơ sở đó tổng hợp đánh giá chung về phẩm chất, năng lực và sự tiến bộ của HS.
>>> XEM THÊM: Cách tạo đề thi trắc nghiệm môn Địa lớp 8 học kỳ I

--------------------------------------------
AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VÀ DỊCH VỤ NGUỒN MỞ THUẬN ĐỨC phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.
Liên hệ hotline 02337774455 (Ext 3) hoặc Fanpage https://m.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.
>>> Nguồn: https://aztest.vn/news/tin-tuc-giao-duc/mon-lich-su-va-dia-ly-thcs-trong-chuong-trinh-gdpt-moi-665.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
thitsdha_1
svvattta_1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây