Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có thể xem như là “chỗ dựa” cho người lao động (“NLĐ”) khi chấm dứt hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) với doanh nghiệp. Thế nhưng, liệu nhà tuyển dụng có phải là người trực tiếp chi trả BHTN khi NLĐ thôi việc? Và đâu là mức lương mà nhà tuyển dụng căn cứ để tính chi phí trả BHTN? Hãy cùng HR Insider tìm hiểu vấn đề này qua tình huống dưới đây.
Tình huống: Một công ty Xuất nhập khẩu A (“Công Ty A”) kí HĐLĐ không xác định thời hạn với nhân viên B. Nhân viên B đã nộp đơn thôi việc với công ty trước ít nhất 45 ngày. Vậy, liệu phía đại diện của Công Ty A có nghĩa vụ phải chi trả khoản trợ cấp thất nghiệp (“TCTN”) trong thời gian không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho nhân viên B này hay không? Và phía Công Ty A sẽ căn cứ vào mức lương nào để chi trả cho nhân viên B trong trường hợp này?
Để trả lời cho câu hỏi này, HR Insider đã cùng kết hợp với VNHR – Câu lạc bộ Nhân Sự Việt Nam và tham khảo thông tin từ cuốn sách “Các Câu Hỏi Thường Gặp Trong Pháp Luật Lao Động” – tập hợp gần 200 câu hỏi có liên quan đến luật lao động Việt Nam được VNHR và Công ty luật Phuoc & Partners hợp tác đồng xuất bản.
Và để giải đáp cho tình huống trên, tác giả cuốn sách đã làm rõ những ý chính sau:
1. Khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ, người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) có phải chi trả TCTN cho NLĐ trong khoảng thời gian không đóng bảo hiểm thất nghiệp không?
Trước tiên, NSDLĐ cần phân biệt rõ hai khái niệm TCTN và trợ cấp thôi việc (“TCTV”) để có quyết định và hướng xử trí phù hợp cho NLĐ:
- Thứ nhất, TCTN là khoản tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả cho NLĐ đủ điều kiện được hưởng khi chấm dứt HĐLĐ (căn cứ Điều 49 Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16 tháng 11 năm 2013).
- Thứ hai, TCTV là một khoản tiền mà NSDLĐ, trong tình huống này là phía Công Ty A, phải trả cho NLĐ – nhân viên B, nếu đủ điều kiện được hưởng khi chấm dứt HĐLĐ (căn cứ Điều 48.1 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Điều 14.1 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015).
Như vậy, khi nhân viên B chấm dứt HĐLĐ thì phía Công Ty A, tức là nhà tuyển dụng, không có nghĩa vụ phải chi trả khoản TCTN cho nhân viên B. Thay vào đó, khi chấm dứt HĐLĐ, nếu nhân viên B đã có tham gia đóng BHTN và đủ điều kiện để được hưởng TCTN thì nhân viên B sẽ được quỹ BHTN chi trả khoản TCTN này; đối với thời gian không tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhân viên B sẽ được hưởng một khoản TCTV do Công Ty A chi trả nếu đáp ứng đủ điều kiện được hưởng.
2. Mức lương làm căn cứ để chi trả TCTN và TCTV
Trong khoảng thời gian nhân viên B không tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp như trên, nhân viên B sẽ được hưởng một khoản TCTV do phía nhà tuyển dụng, tức Công Ty A nơi tuyển dụng nhân viên B này chi trả. Nhà tuyển dụng cần lưu ý rằng khoản trợ cấp này chỉ áp dụng khi nhân viên B đáp ứng đủ các điều kiện được hưởng TCTV theo quy định.
- Đối với TCTV, cứ mỗi năm làm việc (khi NLĐ đã làm việc cho NSDLĐ đủ 12 tháng), NLĐ sẽ được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trường hợp nếu có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng sẽ được tính bằng nửa năm; từ đủ 06 tháng trở lên, sẽ được tính thời hạn là đủ bằng 01 năm làm việc. Ngoài ra, tiền lương để tính TCTV sẽ là khoản lương bình quân theo HĐLĐ của 06 tháng liền kề trước khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ (căn cứ Điều 48.3 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Điều 14.3 (c) Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015).
- Đối với TCTN, mức hưởng TCTN hàng tháng sẽ được tính bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc, nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở nếu NLĐ này thuộc đối tượng lao động thực hiện chế độ lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng nếu có NLĐ này đóng BHTN theo chế độ tiền lương do phía NSDLĐ quyết định tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc (căn cứ Điều 50.1 Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16 tháng 11 năm 2013).
Nói tóm lại, NSDLĐ cần lưu ý rằng, khi NLĐ thôi việc thì họ sẽ không nhận được khoản TCTN từ phía NSDLĐ, tức là NSDLĐ không có nghĩa vụ chi trả TCTN cho NLĐ. Bù lại, trong khoảng thời gian không đóng BHTN, phía NSDLĐ phải có trách nhiệm chi trả khoản TCTV cho NLĐ nếu họ đáp ứng đủ điều kiện nhận TCTV. Ngoài ra, khoản tiền TCTV này sẽ được xác định dựa trên thời điểm NLĐ chấm dứt HĐLĐ với NSDLĐ và thỏa mãn các điều kiện nêu trên.
Hy vọng rằng với những giải đáp trên, bạn sẽ có được một số kiến thức pháp luật cơ bản về vấn đề BHTN và các khoản TCTN/TCTV để phục vụ cho công việc của mình.
>>> XEM THÊM: Cách tạo đề thi trắc nghiệm quản trị nhân sự
--------------------------------------------
AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VÀ DỊCH VỤ NGUỒN MỞ THUẬN ĐỨC phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.
Liên hệ hotline 02337774455 (Ext 3) hoặc Fanpage https://m.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.
>>> Nguồn: https://aztest.vn/news/tin-doanh-nghiep/cach-tinh-bao-hiem-that-nghiep-cho-nguoi-lam-nhan-su-706.html